Những bài học rút ra dành cho Marketers sau bộ phim “Anh thầy ngôi sao” – ai mới “vào ngành” càng phải chú ý bài học cuối

[agentsw ua=’pc’]

Bộ phim “Anh thầy ngôi sao” công chiếu vào ngày 31/8/2019 của đạo diễn Đức Thịnh là một câu chuyện xúc động về tình người. Phim không chỉ xoay quanh hành trình đi tìm ước mơ của các nhân vật mà còn nhấn mạnh vào cách họ yêu thương, bao bọc nhau. Một tác phẩm đầy tính nhân văn như vậy còn mang đến những thông điệp tích cực đến với người xem. Thậm chí, chính những Marketers có thể học hỏi những điều ẩn sâu trong từng thước phim “Anh thầy ngôi sao”. Hãy cùng MarketingAI khám phá và phân tích 5 bài học dành cho các nhà tiếp thị truyền thông nhé. Đặc biệt với những ai “chân ướt chân ráo vào ngành” thì không được quên bài học cuối cùng.

Nội dung chính của bộ phim “Anh thầy ngôi sao”

* [Spoiling Alert] Phần dưới đây có thể tiết lộ một chút về nội dung bộ phim.

Bộ phim nói về câu chuyện của chàng trai trẻ Hoàng làm nghề thầy giáo dạy âm nhạc luôn đam mê thành ca sĩ nổi tiếng. Vì những biến cố của cuộc đời mà anh phải tạm dừng ước mơ ấy. Khi Hoàng muốn tìm lối thoát cho bản thân, anh quyết định đi ra đảo Quý – một hòn đảo tách biệt nằm xa đất liền để trở thành giáo viên của “lớp học đặc biệt”. Tại hòn đảo này, một loạt những câu chuyện nữa xảy ra. Có lúc anh nản chí, muốn bỏ cuộc nhưng vì sự thương yêu dành cho người dân hòn đảo, anh vẫn ở lại. Anh vừa dạy học, vừa nuôi ước mơ trở thành ca sĩ của mình. Bộ phim kết thúc với cảnh Hoàng trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng và giúp thay đổi hòn đảo Quý, thay đổi cuộc sống của chính con người nơi đây.

anh-thay-ngoi-sao-01

“Anh thầy ngôi sao” là một bộ phim nhiều màu sắc nhân văn. (Nguồn: YouTube)

5 bài học cho các Marketers sau bộ phim “Anh thầy ngôi sao”

#1: Làm Branding – nghe có vẻ dễ nhưng hóa ra chẳng phải ai cũng làm được

Nhân vật Hoàng trong bộ phim (Huyme thủ vai) phải nói là một kiểu người xây dựng thương hiệu cá nhân “rất tệ”. Suốt bao nhiêu năm tuổi trẻ phấn đấu mà anh chẳng thể khiến cho mọi người biết đến tài năng của mình. Tất cả những gì mọi người biết đến anh chỉ là một thầy giáo nghèo nợ chồng chất, một người yếu kém trong năng lực chuyên môn và một nghệ sĩ “trí trá”. Có lần Hoàng còn “trả tiền chui” cho một kẻ bầu sô lừa lọc nhằm được biểu diễn trong show của các ca sĩ hạng A. Thế nhưng “tham thì thâm”, Hoàng bị lừa trắng tiền mà chẳng có cơ hội hát trong đêm ấy. Có thể nói, với một người làm Branding cho một thương hiệu cũng vậy. Sẽ không có một con đường “gian dối” nào giúp đẩy mạnh thương hiệu của bạn cả. Chỉ có cách là tự nhãn hàng phải đường đường chính chính phát triển và đi lên từng ngày. Mọi hành vi “đi đường tắt” vừa có thể khiến cho bạn gặp thất bại, vừa làm mất lòng tin đối với khách hàng.

anh-thay-ngoi-sao-02

Trong khi Hoàng là một chàng trai xây dựng thương hiệu cá nhân rất tệ. (Nguồn: Internet)

Đối lập với nhân vật Hoàng chính là người dân của đảo Quý. Ngư dân quanh năm chẳng biết “mùi Wifi” này ấy vậy mà xây dựng thương hiệu của họ rất đỉnh. Đặc biệt là ông trưởng xóm – ông Bừng, người luôn cố gắng để giữ chân các giáo viên ở lại với đảo Quý. Khi anh Hoàng đặt chân đến đây, ông Bừng đã bán xe để tổ chức tiệc chào mừng Hoàng. Ấn tượng đầu tiên lúc nào cũng rất quan trọng, vì thế các nhãn hàng càng cần phải chú ý để đưa những hình ảnh tốt đẹp nhất đến với tệp khách hàng tiềm năng. Rồi trong suốt quá trình Hoàng cảm thấy chán nản ở đảo Quý, đã không ít lần anh định rời bỏ thì ông Bừng vẫn luôn nhẫn nại để tìm mọi cách khiến anh không rời đám trẻ mà đi nữa. Trong Marketing, việc xây dựng lòng tin thương hiệu không chỉ là câu chuyện ngày một ngày hai, đó là cả một chặng đường phấn đấu không mệt mỏi. Hãy luôn nhẫn nại, luôn biết tìm mọi cách để gây dựng niềm tin ở khách hàng, rồi chắc chắn đến một ngày, thương hiệu của bạn sẽ chiếm được một vị trí lớn lao trong tim của người dùng.

anh-thay-ngoi-sao-03

Ngược lại, ông Bừng và con gái ông rất giỏi trong việc “Branding” xóm đảo Quý. (Nguồn: Anh thầy ngôi sao)

Bộ phim còn có cô con gái của ông Bừng – Sâm do Miu Lê thủ vai. Đây là một nhân vật đã Branding cho đảo Quý bằng yếu tố “Storytelling“. Tức là cô Sâm đã kể những câu chuyện xúc động và truyền đầy cảm hứng với Hoàng – giúp cho anh suy nghĩ mà ở lại hòn đảo. Nào là việc đã có quá nhiều giáo viên đến đây rồi đi, nào là việc đám trẻ khao khát được học con chữ đổi đời, nào là việc ông Bừng cha cô mắc bệnh hiểm nghèo, ông bán hết tài sản bởi luôn đau đáu việc tìm thầy giáo cho đảo Quý. Một câu chuyện hay, cảm động và truyền cảm hứng đến mọi người lúc nào cũng sẽ thu hút và có khả năng lớn thay đổi tâm lý mua hàng. Hãy cố gắng phát triển dạng định vị thương hiệu qua Storytelling để nhãn hàng của bạn luôn chiếm được cảm tình lớn đối với khách hàng tiềm năng nhé!

#2: Làm tiếp thị là phải biết huy động mọi nguồn lực

Cùng quay trở lại với câu chuyện Branding của ông Bừng và người dân xóm đảo Quý. Họ chẳng có gì quá to tát cả, không có nhiều chi phí, không có nhiều nhân sự, không có những thứ hào hoa phù phiếm, nhưng họ đã vận dụng tất cả những gì họ có. Ông Bừng bán xe làm Event, ông huy động người dân cả xóm “diễn kịch” lôi kéo Hoàng, ông cùng mọi người xây dựng lại cơ sở vật chất cho thầy giáo… Ngoài ra, khi mà Hoàng quay MV để nộp bài dự thi, tất cả người dân xóm Quý cũng chung tay giúp cho anh hoàn thiện 1 clip chân thực mà hay ho nhất có thể. Rồi đến khi đêm chung kết ca nhạc của bé Cu, tất cả mọi người cũng dựng lên một bài nhạc chạm đến cảm xúc của các khán giả.

anh-thay-ngoi-sao-04

Trong Marketing, bạn nên tận dụng mọi nguồn lực mà mình có. (Nguồn: Anh thầy ngôi sao)

Trong thế giới Marketing, không quan trọng là bạn có nguồn tài nguyên phong phú đến đâu, mà điểm mấu chốt là bạn phải tận dụng tối đa các nguồn lực mình có. Từ nhân sự, chi phí, chất xám cho đến điều kiện cơ sở vật chất. Một Agency có 5 Content Writer hay có 1 Content Writer thì vẫn có thể lên kế hoạch bài viết cho 1 tháng. Kể cả khi số lượng bài viết ít đi thì chúng ta có thể tập trung hơn vào chất lượng bài đăng. Hay như nếu chúng ta không có những chi phí ngàn đô để chạy quảng cáo, thì chúng ta sẽ chạy quảng cáo chi phí thấp nhưng tìm chọn một đối tượng rõ ràng hơn để nhắm trúng. Đừng bao giờ nản chí mà hãy cố gắng hết sức, đồng lòng cùng những bộ phận khác để triển khai những chiến dịch thành công nhé!

#3: Làm MV, clip viral, TVC đơn giản mà vẫn ý nghĩa

Có nhiều người làm Marketing cho rằng, cứ phải những chiến dịch được đầu tư hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng thì mới “xịn xò” và hiệu quả. Nhưng qua bộ phim “Anh thầy ngôi sao”, chúng ta đang được nhìn thấy điều ngược lại. MV bài hát “Bài ca tôm cá” của Hoàng và ngư dân đảo Quý được quay bằng một chiếc iPhone 5, với chi phí là 0 đồng, chẳng cần có có những đạo cụ, hiệu ứng xịn xò nào cả. Vậy mà MV ấy đã lọt vào “mắt xanh” của ban giám khảo, giúp cho bé Cu và mọi người được tiến thẳng vào đêm chung kết. Điểm nổi bật trong clip âm nhạc đó chính là sự tự nhiên của mọi người, cùng với những hiện thực tươi đẹp nơi xóm đảo nghèo. Người ta thấy ánh hoàng hôn, thấy cảnh ra khơi, cảnh thuyền chài tấp nập, cảnh người dân hiền hòa… Như thế là quá đủ cho một MV ca nhạc cảm động.

anh-thay-ngoi-sao-05

Đôi khi, làm một TVC đơn giản, không quá hoành tráng và cảm xúc sẽ tạo nên hiệu ứng tuyệt vời. (Nguồn: Internet)

Đôi khi, sự đầu tư quá mức vào các TVC, các clip viral khiến cho nội dung của những sản phẩm đó có phần “giả tạo”. Người xem sẽ giữ mindset “Chỉ là quảng cáo thôi mà, có cần phải làm quá và lố như vậy không?”. Do đó, chính những video đơn giản, giàu ý nghĩa và được diễn xuất tự nhiên, hình ảnh thương hiệu lồng ghép tế nhị mới là điều đọng lại trong lòng của người xem.

#4: Làm nội dung hướng đến hoài bão, lý tưởng lúc nào cũng thu hút người xem

Với bộ phim “Anh thầy ngôi sao” nói chung, thì biên kịch đã làm rất tốt công việc truyền thông điệp về theo đuổi ước mơ trong cuộc sống. Đó là câu chuyện Hoàng theo đuổi ước mơ làm ca sĩ, là ông Bừng theo đuổi ước mơ thay đổi đảo Quý, là Sâm theo đuổi ước mơ có chàng hoàng tử đi thuyền buồm đỏ đến cầu hôn, là lũ trẻ theo đuổi ước mơ biết chữ, chơi thể thao, và là cả bé Cu theo đuổi ước mơ được ca hát và gặp lại mẹ của mình. Mỗi người có một ước mơ, hoài bão riêng, nhưng điểm chung là họ luôn cố gắng hết sức để biến giấc mơ đó trở thành hiện thực.

anh-thay-ngoi-sao-06

Nội dung hướng đến hoài bão, lý tưởng cuộc sống luôn dễ thu hút người xem. (Nguồn: YouTube)

Ta đã từng biết những chiến dịch nói về hoài bão của con người. Đó là chiến dịch của Coca Cola về việc theo đuổi ước mơ đá bóng trong mùa World Cup của các đứa trẻ khu ổ chuột. Đó còn là chiến dịch của VinCity nêu lên khát vọng mua nhà của các bạn trẻ lên thành phố, và là cả chiến dịch Thức tỉnh cà phê D7 của Thái Lan về ước mơ muốn cho cuộc sống không còn tồn tại những bất công, những tham lam của con người. Hãy tìm hiểu xem khách hàng tiềm năng của bạn, họ đang cần điều gì, họ đang hướng tới điều gì. Hay như điều gì sẽ khiến họ thay đổi cách tiêu dùng để sử dụng sản phẩm của bạn. Khi ấy bạn sẽ biết hướng để sáng tạo nội dung phù hợp với tâm lý khách hàng hơn đấy.

#5: Làm Marketing – chỉ đam mê và cố gắng thôi là chưa đủ!

Trong bộ phim “Anh thầy ngôi sao” có 1 plot twist. Mọi người sẽ suy đoán rằng Hoàng cuối cùng sẽ trở thành một ca sĩ nổi tiếng theo đúng ý nguyện của anh nhưng không hề. Hoàng đã không làm ca sĩ, anh trở thành nhạc sĩ – người viết nhạc. Còn ca sĩ giành chiến thắng tại cuộc thi và gây ấn tượng với giám khảo lại là bé Cu – một đứa bé chịu nhiều tổn thương tại xóm đảo Quý. Có một câu thoại rất đắt giá mà Hoàng dành cho bé Cu như sau “Em hãy cứ tham gia chung kết đi, vì em có một điều mà thầy không có, đó chính là tài năng.” Có thể bé Cu còn quá nhỏ để trải qua một chặng dài cố gắng như Hoàng, nhưng điều bé Cu có chính là chất giọng khỏe khoắn trong vắt và tài năng thẩm âm nhạc tốt. Đó là thứ mà Hoàng cố bao năm nay không thể có được, và đấy là lý do mà anh không trở thành ca sĩ lớn được. Anh hợp với công việc viết nhạc hơn là ca sĩ.

anh-thay-ngoi-sao-07

Điểm khác biệt giữa bé Cu và Hoàng, là bé Cu có tài năng, và có khả năng tỏa sáng. (Nguồn: YouTube)

Trong ngành Marketing cũng vậy. Mọi người thường hay nói “Cứ đam mê và quyết tâm cố gắng đi rồi thành công sẽ đến với bạn.” Nghe điều này có vẻ hay ho và truyền cảm hứng nhưng thử hỏi: Liệu đã bao nhiêu người chỉ bằng đam mê và nỗ lực thành công với ngành này? Trong những năm gần đây, Marketing đang ngày một phát triển lớn mạnh hơn ở bất cứ ngành hàng nào. Số lượng người đổ xô đi làm Marketing cũng nhiều hơn. Đơn giản, bởi “nghe nói” ngành này rất “Fancy”, rất hấp dẫn, giàu tiềm năng để phát triển và kiếm nhiều thu nhập. Nhưng đó mới chỉ là phần tảng băng nổi mà chúng ta nhìn thấy. Sự thật thì đã có vô số những thất bại, những sự bỏ cuộc trong ngành Marketing.

Quả thực, tài năng là một yếu tố quan trọng đối với bất cứ Marketers nào. Tất nhiên tài năng này ban đầu chỉ như một hòn than, trải qua mài dũa thì mới tiến hóa thành viên ngọc sáng được. Tài năng ở đây được hiểu là sự nhạy bén với tâm lý khách hàng, xu hướng thị trường, là khả năng thiên biến vạn hóa những chiến lược nội dung và tầm nhìn cho doanh nghiệp trong tương lai… Một Content Writer dù có luyện hàng qua vài năm viết lách, nhưng thiếu đi tính “bắt trend”, tính duyên dáng hài hước và thấu hiểu tâm lý thì dù có viết thêm vài năm nữa cũng chưa chắc đã làm nên nội dung hay. Một Planner dù có thiết lập trăm ngàn kế hoạch nhưng không thể trò chuyện cùng khách hàng để hiểu họ, không thể có “sense” để dự báo xu thế thì mỗi kế hoạch họ làm đều chắc chắn không thể thành công. Hay như một Designer dù có học qua bao trường lớp, mà không có tư duy thẩm mỹ thì sản phẩm của họ cũng chẳng thể chạm vào cảm xúc được.

anh-thay-ngoi-sao-08

Đôi khi, hãy tự đặt câu hỏi: Liệu mình có tài năng vừa đủ để phát triển trong ngành Marketing? (Nguồn: Digital Marketing Agency in Viet Nam)

Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là bắt bạn phải từ bỏ hẳn ngành Marketing nếu bạn thực sự đam mê ngành này. Bạn hoàn toàn có thể đi theo hướng của Hoàng trong phim “Anh thầy ngôi sao” – chuyển từ ca sĩ sang nhạc sĩ. Marketing là một ngành, một lĩnh vực đa dạng, bao gồm nhiều công việc chuyên môn hóa khác nhau. Bạn không thể viết Content thì hãy thử làm kế hoạch xem sao. Bạn không thể thiết kế thì hãy thử sang chăm sóc khách hàng Account xem sao. Rồi nếu bạn không thể làm đạo diễn thì thử sang chạy quảng cáo Facebook, Google xem có tốt hơn không. Hãy thử thật nhiều, và cố gắng để biết mình thực sự hợp với điều gì. Sẽ không bao giờ là quá muộn để bạn bắt đầu mọi thứ lại từ đầu.

>> Xem thêm: Tổng hợp các mức lương các vị trí Marketing tại Việt Nam

Kết

Bộ phim “Anh thầy ngôi sao” lan tỏa những thông điệp nhân văn tới người xem và cũng nêu ra những bài học sâu sắc đối với các Marketers. Hi vọng rằng sau bài viết phân tích đầy tính khách quan này, thì bạn sẽ biết thêm những kiến thức để hoàn thiện hơn với nhãn hàng, doanh nghiệp của mình. Chúc những người làm Marketing sẽ luôn giữ được cái đầu lạnh và không ngại sai lầm để vươn lên tỏa sáng như các nhân vật trong “Anh thầy ngôi sao” nhé!

Quang Minh – MarketingAI

[/agentsw]

Bài Viết Liên Quan

[agentsw ua=’mb’]

[/agentsw]

Viết một bình luận

0 Shares
Share
Tweet
Pin