Bất động sản “đóng băng” – “Nạn nhân” tiếp theo của Covid-19

[agentsw ua=’pc’]

Trải qua một năm sóng gió với nhiều biến cố, cú ngã ngựa của Địa ốc Alibaba cùng với vụ vỡ trận cam kết condotel tại Dự án Cocobay Đà Nẵng, Bất động sản Việt Nam kỳ vọng sẽ tìm lại vị thế vào năm 2020 – năm đầu tiên của một thập kỷ mới. Tuy nhiên, những khởi sắc đầu tiên còn chưa thấy đâu thì cả thị trường đã phải lao đao khi nhận phải “cú đấm đau” từ sự bùng phát của bệnh dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp lớn có thương hiệu trên thị trường cũng phải đứng trước nguy cơ bị phá sản, khi tình trạng mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài và việc triển khai các dự án mới gặp nhiều khó khăn. 

Thiếu nguồn cung lại còn bị “siết tín dụng”, doanh nghiệp bất động sản vẫn “mạnh dạn” giảm giá nhưng lại chẳng có ai mua

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tình hình nửa cuối năm 2019 và đầu năm 2020, thị trường BĐS gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút trầm trọng do những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Nguyên nhân chủ quan đến từ thực trạng dễ nhận thấy trên thị trường Bất động sản Tp.HCM và Hà Nội năm 2019 là nguồn cung giảm sút. Theo Sở Xây dựng Hà Nội nguồn cung BĐS năm 2019 chỉ còn bằng 40% số lượng năm 2018. Còn tại TP.HCM, HoREA cho biết suốt 9 tháng cuối năm chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%.

Việc rà soát pháp lý khiến nhiều dự án bất động sản bị đình trệ (Nguồn: CafeLand)

>>> Xem thêm: Covid-19: Facebook miễn chi phí quảng cáo cho WHO

Lý do dẫn tới tình trạng trên được cho là vì rất nhiều dự án BĐS nhà ở, thương mại bị dừng lại để rà soát pháp lý. Tình trạng này khiến cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà gặp nhiều khó khăn do dự án đình trệ, thiếu nguồn cung, giá nhà bị đẩy lên cao và đang có sự “lệch pha” trong nguồn cung bất động sản cao cấp.

Mặc dù cuối năm 2019, nhiều dự án chung cư cao cấp đã sốt ruột hạ giá bán nhưng nhiều người dân đô thị vẫn không cảm thấy mặn mà. Giá nhà vẫn được cho là quá cao so với mức thu nhập của người dân.

Ngoài ra, việc siết tín dụng đối với các hoạt động kinh doanh bất động sản theo quy định của nhà nước được bắt đầu năm 2019 thực sự là “cú đấm” mạnh vào thị trường bất động sản này, khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong ngành này giảm còn 35% trong năm 2020 và hệ số rủi ro tăng cao lên 250-300%.

Năm 2020 đến đem theo hi vọng hay “bão tố”?

Người ta kỳ vọng vào một năm 2020 khởi sắc hơn nhưng bệnh dịch Covid-19 lại bất ngờ kéo đến, gây hoang mang dư luận và cũng là một “hung tin” đối với ngành bất động sản. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, chủ đầu tư các dự án chung cư cao cấp tại Hà Nội đều ngán ngẩm đến ngậm ngùi khi cho biết cả tháng doanh nghiệp ông chỉ bán được 1-2 căn trong cả nghìn căn hộ đang chờ đợi chủ nhân ngoài kia.

Thực trạng đáng buồn này có khả năng vẫn còn tiếp diễn trong vài tháng nữa khi dịch bệnh Covid-19 vẫn không cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, khiến cho nhiều doanh nghiệp tính đến phương án tiếp tục giảm giá. Tại thời điểm thị trường Bất động sản nóng sốt, một dự án lên tới hơn 50 triệu đồng/m2 là chuyện bình thường, nhưng khi thị trường bị đóng băng, số tiền đó giảm chỉ còn một nửa.

Bất động sản giảm giá sâu nhưng chẳng được mấy ai ngó ngàng đến (Nguồn: TheLEADER)

Khó khăn chồng tiếp khó khăn, nhưng đau đớn nhất là việc dù giảm giá sâu nhưng tình trạng nhà đất ở nhiều khu vực tại Hà Nội vẫn “ế ẩm” trầm trọng. Mà chủ đầu tư lại không thể tung ra mức chiết khấu sâu hơn nữa, vì nếu tiếp tục sẽ gây ra sự mất công bằng giữa người mua trước và người mua sau, làm mất niềm tin của người mua nhà.

Trước tình hình đó, không ít doanh nghiệp đang rơi vào cảnh nợ nần, phải oằn mình ra trả lãi ngân hàng khi lợi nhuận thu được vô cùng thấp và hàng tồn kho vẫn đang “chất đống” ngoài kia.

Hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp Bất động sản kêu gọi sự hỗ trợ của Chính phủ

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đối với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2019, hầu hết các doanh nghiệp đều có kết quả kinh doanh sụt giảm. Ngoại trừ Vingroup đạt doanh thu và lợi nhuận rất tốt, các doanh nghiệp còn lại chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu 07% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% của năm 2018.

Vingroup là điểm sáng duy nhất trong ngành bất động sản Việt Nam hiện nay (Nguồn: reatimes.com)

Điều đáng quan ngại là tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018. Trong đó, có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng; có 4 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 tỷ đồng đến 7.397 tỷ đồng; riêng 2 tập đoàn hàng đầu lại có lượng hàng tồn kho chiếm đến 63% tổng giá trị hàng tồn kho.

Hiệp hội nhận thấy hàng tồn kho bất động sản sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì nếu hàng tồn kho đó là bán thành phẩm nhưng do vướng mắc về pháp lý mà dự án bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay; hay là thành phẩm nhưng không/chưa bán được và không có tính thanh khoản thì có thể khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS), nhất là trong giai đoạn kinh doanh du lịch của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bức tranh ảm đạm của ngành du lịch nói chung đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh các sản phẩm căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng du lịch,… của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành này. Điều đó khiến cho Chính phủ phải sớm đưa ra những quyết định kịp thời nếu không muốn tình trạng ngày càng trở nên xấu hơn.

Doanh nghiệp cần sự giúp đỡ của Chính phủ trong công cuộc vực dậy ngành Bất động sản (Nguồn: NIK EDU)

Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản ngày 22/2/2020, Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đã nhận định: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Cùng với đó, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ. Những điều này, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách”.

>> Xem thêm: Covid-19: Giải cứu thương hiệu Việt

Tạm kết

Có thể nói, trước những diễn biến có phần thảm hại tính từ đầu năm đến nay, cộng với sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới, năm 2020 dự kiến vẫn sẽ là một năm vô cùng khó khăn đối với bất động sản Việt Nam.

Tổng hợp

[/agentsw]
[agentsw ua=’mb’]

Bất động sản “đóng băng” – “Nạn nhân” tiếp theo của Covid-19


[/agentsw]

Viết một bình luận

0 Shares
Share
Tweet
Pin