[Báo cáo] Mức độ hài lòng của người dân Việt Nam khi làm việc tại nhà

[agentsw ua=’pc’]

Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cũng như sinh hoạt của nhiều người dân Việt Nam. Trước những diễn biến căng thẳng của đại dịch cũng như để ngăn chặn sự lây lan của Virus Corona, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành lệnh cách ly xã hội trên toàn quốc, yêu cầu các công dân làm việc từ xa tại nhà. Cuộc khảo sát dưới đây Asia Plus thực hiện vào đầu tháng 4 vừa qua, nhằm tìm hiểu về mức độ hài lòng của người dân Việt Nam khi làm việc tại nhà, với sự tham gia của 261 nam và nữ ở độ tuổi 19-63. Cùng với MarketingAI tìm hiểu sâu hơn về báo cáo này trong bài viết dưới đây nhé!

Zalo, Facebook và Email “lên ngôi” khi gần 80% các doanh nghiệp phải làm việc tại nhà

Với 80% các doanh nghiệp phải làm việc ở nhà trong tình trạng hiện nay (45% đối tượng phải làm việc hoàn toàn tại nhà, 38% hầu hết phải làm việc ở nhà), thì việc phải sử dụng các ứng dụng và phần mềm online để quản lý công việc và hiệu suất là điều khá dễ hiểu. Biểu đồ dưới đây cho ta thấy, 51% người được hỏi nói rằng họ phải làm báo cáo công việc hằng ngày/hoặc hằng tuần để nộp lên cấp trên, và chỉ có 12% nói rằng họ phải thực hiện các buổi họp online giữa các bộ phận để đảm bảo hiệu suất công việc. Điều đó cho thấy, hình thức họp online vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng, trong khi đa phần các bên đều vẫn thích trao đổi và tổng kết công việc thông qua các bản báo cáo. Điều đó phần nào cho thấy một kết quả về việc hoàn thành deadline đúng thời hạn là khá thấp, chỉ đạt 8%.

Cách ly xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng cũng khiến cho thời gian sử dụng các ứng dụng, đặc biệt là các ứng dụng nhắn tin gia tăng đột biến so với thời gian trước khi dịch xảy ra. Trong đó, Zalo, Email và Facebook Messenger là 3 công cụ được sử dụng nhiều nhất với mức tăng thấp nhất là 12% (Messenger) và cao nhất là 48% (Zalo). Các công cụ khác cho thấy mức tăng dao động từ 1% đến 12%.

So sánh mức độ sử dụng các nhóm công cụ trước và sau khi có dịch

Có thể nói, các công cụ hỗ trợ làm việc trực tuyến vừa trải qua một cuộc “cách mạng” thật sự khi trong bối cảnh có quá nhiều người phải thực hiện cách ly ở nhà cũng như các công ty, hoạt động dịch vụ phải tạm đóng cửa do dịch bệnh Covid-19. Nỗ lực duy trì hoạt động ổn định cũng như đảm bảo kết nối giữa mọi người với nhau đã giúp các nhóm công cụ này nhận được lượt truy cập cao đột biến, đặc biệt là các công cụ nhắn tin. Hãy cùng nhìn bức tranh toàn cảnh dưới đây với những thống kê về mức độ sử dụng các nhóm công cụ trước và sau khi dịch bệnh bùng phát:

Nhóm công cụ nhắn tin đạt mức tăng trưởng cao nhất

Rõ ràng, khi phải cách ly tại nhà, nhu cầu giao tiếp, kết nối và duy trì các mối quan hệ ngày càng cao. Điều đó được minh chứng cụ thể trong biểu đồ đo lường mức độ sử dụng dưới đây, trong đó Zalo đạt mức tăng cao nhất với 51%, tỷ lệ sử dụng đạt 85%, theo sau là 2 tên tuổi “sừng sỏ” khác là FB Messenger và Skype. Đây đều là các ứng dụng nhắn tin được nhiều doanh nghiệp Việt Nam ưa chuộng, dùng để giao tiếp trong nội bộ công ty.

Nhóm công cụ web/video cho thấy nhu cầu sử dụng cao kỷ lục trong mùa dịch 

Tương tự như nhóm công cụ nhắn tin, nhóm công cụ hỗ trợ thiếu yếu cho công tác làm việc tại nhà là web và video cũng chứng kiến sự gia tăng đột biến. Các công cụ này bình thường ít được sử dụng giờ đây lại chứng minh được hiệu quả tích cực trong bối cảnh mọi người buộc phải cách ly tại nhà và làm việc online. Trong nhóm này, Skype cho thấy mức độ hiệu quả của nó với tỷ lệ gia tăng dẫn đầu 53%, Zoom là ứng dụng xếp thứ 2 với 33%. Các công cụ của Microsoft Teams và Google Hangouts cho thấy mức tăng xấp xỉ nhau, lần lượt là 18% và 19%.

Làm việc tại nhà có hiệu quả hay không? Lý do mọi người thích/không thích làm việc tại nhà

Ngay khi quy định về việc làm việc tại nhà được đưa ra đã nảy sinh nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có người thích, có người ghét, nhưng cũng có người cảm thấy bình thường vì đối với họ, làm việc ở đâu cũng như nhau. Những phản ứng đối nghịch này cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu suất làm việc của mọi nhân viên, khi điều kiện làm việc là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến cách làm việc của họ.

Có tới 50% người dân thích làm việc tại nhà

Con số này được cho là khả quan trong bối cảnh nhiều công ty, doanh nghiệp phải buộc cho nhân viên làm việc tại nhà. Cảm hứng tích cực của nhân viên sẽ giúp cho các doanh nghiệp yên tâm phần nào về hiệu suất công việc đem lại. Lý do cho việc này đa phần là do mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc tại nhà (52%), những lý do còn lại như tiết kiệm thời gian di chuyển hay đảm bảo tính an toàn lần lượt xếp thứ 2 và thứ 3 với 20% và 19%.

Trong khi đó, tỷ lệ người không thích và cảm thấy bình thường tương đối bằng nhau, lần lượt là 26% và 28%. Vấn đề chính họ phải đối mặt là khả năng tập trung không tốt khi làm việc tại nhà (chiếm 45%), lý do xếp thứ 2 là việc thiếu các trang thiết bị cần thiết (chiếm 16%).

30% người cho rằng họ sẽ làm việc tốt hơn khi ở nhà, trong khi, hơn 40% nghĩ về điều ngược lại

30% cho rằng làm việc tại nhà sẽ khiến họ cảm thấy thoải mái hơn trong khi vẫn đảm bảo được deadline công ty đặt ra. Trong khi lý do khiến 42% người nghĩ rằng mọi việc sẽ tệ hơn khi làm việc tại nhà là họ cảm thấy thiếu tập trung và khó có thể trao đổi công việc với đồng nghiệp/ khách hàng.

Phân tích các nhóm nhân viên

Về cơ bản, nhân viên sẽ được chia ra làm 3 nhóm cơ bản, bao gồm Nhóm nhân viên tích cực (48%), Nhóm nhân viên truyền thống (23%) và Nhóm nhân viên luôn cần “sự kèm cặp” (28%). Mỗi nhóm đều có những đặc trưng riêng biệt, điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Chính những đặc điểm đó đã ảnh hưởng đến hiệu suất khi làm việc tại nhà của các nhóm đối tượng này. Cụ thể, hãy theo dõi trong bảng bên dưới:

>> Xem thêm: [Báo cáo] Trong thời kỳ cách ly xã hội, thời gian sử dụng các ứng dụng tăng 20%

Tạm kết

Cuộc khảo sát được Asia Plus (Q&Me) thực hiện trên các nhóm đối tượng từ già đến trẻ và gần 50% đến từ TP.HCM. Các nhóm này làm việc nhiều nhất trong ngành Công nghệ thông tin (chiếm 16%) và thấp nhất là ngành Marketing (5%). Những con số thống kê cho thấy mức độ tăng trưởng nhanh của các ứng dụng và công cụ hỗ trợ cho việc làm từ xa tại thời điểm hiện nay, đồng thời chỉ ra rằng, lý do tại sao mọi người lại thích làm việc tại nhà hay công ty, và làm việc tại đâu sẽ hiệu quả hơn. Hi vọng rằng qua bài báo cáo này, các doanh nghiệp sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về mức độ hài lòng của người dân Việt Nam khi làm việc tại nhà để có những phương án điều chỉnh hợp lý hơn trong thời gian sắp tới.

Tô Linh – Marketing AI

Theo Q&Me

[/agentsw]

[Báo cáo] Mức độ hài lòng của người dân Việt Nam khi làm việc tại nhà

[agentsw ua=’mb’]

[/agentsw]

Viết một bình luận

0 Shares
Share
Tweet
Pin